Mùa mưa tuy đem lại không khí mát mẻ tuy nhiên đi kèm đó là một số vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 7.426 ca trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 16,2% với cùng kỳ năm 2021 là 6.393 ca.
Chiều 19/5, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách HCDC phát biểu: “Dịch sốt xuất huyết tại TP HCM đang rất đáng báo động” tại họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM.
Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh loăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh. Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị sốt xuất huyết cũng như phòng tránh các bệnh tay chân miệng, phụ huynh có thể áp dụng một số cách sau đây:
Luôn chuẩn bị áo mưa không chỉ cho người lớn mà còn cho riêng trẻ
Ngấm nước mưa có thể khiến bé có nguy cơ bị cảm lạnh và thậm chí là viêm phổi. Do đó, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ chơi dưới trời mưa. Hãy sắm cho trẻ một chiếc áo mưa và một đôi ủng vừa với trẻ để trẻ có thể thoải mái hoạt động dưới mưa mà không lo bị ướt.
Bổ sung vitamin C
Bất kể mùa nào trái cây cũng vô cùng tốt đối với sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, phụ huynh nên tăng cường cho trẻ ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C nhằm giúp trẻ tăng cường sức đề kháng giảm khả năng mắc bệnh.
Giữ vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh
Khi mùa mưa tới, không khí trong mùa mưa chứa rất nhiều mầm bệnh nguy hại cho trẻ. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm hoàn hảo cho sự sinh sôi của một số loại côn trùng như muỗi. Vì vậy, chúng ta cần giữ môi trường nhà ở và xung quanh thật sạch để bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách:
– Đặt một tấm thảm ở trước cửa nhà và không mang giày dép vào nhà.
– Lau nhà với dung dịch khử trùng, lau sạch tất cả các đồ nội thất với chất khử trùng nhằm ngăn cản sự tích tụ vi khuẩn.
– Giặt quần áo cho trẻ thường xuyên vì các loại quần áo đã sử dụng thường dễ bị ẩm mốc đặc biệt trong mùa mưa.
– Chủ động vệ sinh, khử trùng và rửa sạch đồ chơi của trẻ.
– Thay ga giường ít nhất 1 lần/tuần và giặt sạch khăn tắm cho trẻ 2 lần/tuần. Cần phơi khăn tắm thật khô giữa những lần sử dụng.
– Dọn dẹp các vũng nước đọng trong nhà và xung quanh nhà
– Dùng thuốc xịt hoặc thoa kem chống muỗi cho trẻ nếu cần thiết
– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi đi ngoài mưa để tránh các bệnh về tay chân miệng
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Vào mùa mưa, phụ huynh nên cẩn trọng vào việc uống nước ở trẻ. Phụ huynh chú ý chỉ cho trẻ uống các loại nước lọc đã đun sôi để nguội. và không nên để nước uống của bé lưu trong bình sữa hoặc ly/cốc.
Sau khi trẻ uống không hết cốc nước hãy đổ phần nước thừa còn lại rồi làm sạch đồ chứa cho trẻ. Bởi vì mùa mưa nước dùng dở sẽ là địa điểm hấp dẫn cho ruồi muỗi tụ tập.
Duy trì chế độ ăn khoa học
Trong mùa mưa, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhằm nâng cao hệ miễn dịch của trẻ. Ba mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và tránh các loại thực phẩm chứa chất béo có nguồn gốc động vật. Đặc biệt, ba mẹ nên thêm vào thực đơn của trẻ những thực phẩm như tỏi, nghệ, củ dền để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết
Người lớn cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể được điều trị tại nhà (điều trị ngoại trú) và đến tái khám đầy đủ theo lịch hẹn. Cần lưu ý những chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhanh nhất, cụ thể như sau:
- Nếu bệnh nhi sốt cao trên 39oC, cần được uống thuốc hạ sốt paracetamol theo hướng dẫn sử dụng, nới lỏng quần áo, lau mát. Chú ý không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, toan máu;
- Khuyến khích bé uống nhiều nước (nước sôi để nguội), oresol (nước điện giải), nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc cháo loãng pha với muối, để bổ sung chất điện giải cho bé;
- Chế độ ăn uống trong ngày nên chia làm nhiều bữa nhỏ, thức ăn loãng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng. Không nên dùng thực phẩm và nước uống có màu sẫm (tránh trường hợp bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa);
- Nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động thời gian trẻ bị sốt xuất huyết;
- Trong trường hợp trẻ không thể uống được nước do nôn ói quá nhiều, lờ đờ, không tỉnh táo, cần đưa đến cơ sở y tế để được hướng dẫn thêm.
Trong quá trình chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời nếu nhận thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau đây:
- Vật vã, lừ đừ;
- Đau bụng ngày càng nặng;
- Da xung huyết nhưng tứ chi lạnh;
- Nôn ói đột ngột, liên tục;
- Xuất huyết tiêu hóa đột ngột.
Nguồn: BTEducation tổng hợp