ĐỐI VỚI TRẺ MẦM NON, LỜI KHEN CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG TRONG VIỆC KHUYẾN KHÍCH VÀ TẠO ĐỘNG LỰC CHO TRẺ DUY TRÌ VÀ PHÁT HUY NHỮNG HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC.TUY NHIÊN, LỜI KHEN CŨNG CÓ HAI MẶT CỦA NÓ VÀ NẾU SỬ DỤNG KHÔNG KHÉO SẼ RẤT DỄ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN TƯ DUY CỦA TRẺ SAU NÀY. BA MẸ HÃY CÙNG MẦM NON TRẺ THƠ KHÁM PHÁ NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ PHÍA SAU NHỮNG LỜI KHEN NHÉ!
Lời khen cần cụ thể và thực tế
Lời khen chung chung như “Con giỏi quá” sẽ không giúp trẻ hiểu được là vì sao mình được khen, vì sao mình ngoan, vì sao mình giỏi và giỏi ở việc gì. Thay vì khen con giỏi, con ngoan, Ba Mẹ hãy nhấn mạnh vào hành động cụ thể của trẻ: “Con đã tự gấp quần áo mà không cần mẹ giúp.” hoặc “Cảm ơn con vì đã phụ mẹ tưới cây nhé. Nhờ vậy mà mẹ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi sau khi đi làm về đấy”.
Mục đích của lời khen là tạo động lực trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Khi lời khen được diễn đạt với nội dung chân thực, cụ thể, nó còn có tác dụng định hướng cho trẻ những điều nên làm trong tương lai.
Đừng chỉ khen con thông minh
Theo thói quen, người lớn thường khen “Con thật thông minh”, “Con thật tài năng”. Do đó, ít ai nhận ra rằng những câu tán dương này sẽ gián tiếp biến trẻ thành người tự cao và dễ mất niềm tin khi gặp trở ngại trong cuộc sống. Thông minh chỉ là một tố chất sẵn có của một đứa trẻ và điều đó không giúp trẻ đạt được thành công nếu thiếu nỗ lực và cố gắng. Khen con thông minh là gián tiếp “đóng khung” suy nghĩ của con về năng lực vượt trội của bản thân.
Mỗi khi con đạt kết quả tốt, Ba Mẹ nên hướng lời khen vào quá trình nỗ lực của con: “A hôm nay con đã lắp ráp được khối lego hoàn chỉnh rồi này. Ba Mẹ thấy con đã rất kiên trì để hoàn thành nó trong mấy ngày qua. Cố gắng phát huy nhé con”.
Chia sẻ cảm xúc với trẻ
Trẻ sẽ tỏ ra phấn khích và vui sướng khi vừa ném trúng quả bóng vào rổ, bé sẽ chạy đến chỗ Ba Mẹ để “khoe” thành quả. Khi đó, Ba Mẹ chỉ cần cùng con nhảy lên reo hò hay ôm con thật chặt vào lòng để thể hiện niềm vui. Đó là những cách khen ngợi tích cực mà chẳng cần một lời nói nào cả.
Ngoài ra, Ba Mẹ cũng có thể vỗ tay hoan hô, xoa đầu, chạm tay kiểu high-five hoặc dành cho trẻ ánh mắt và nụ cười khích lệ khi trẻ vừa cố gắng thực hiện một việc tốt. Đôi khi niềm hạnh phúc của trẻ chỉ là được Ba Mẹ chứng kiến những thành quả con đạt được và không cần quá nhiều phần thưởng hay lời khen.
Không lạm dụng lời khen
Lời khen sẽ phát huy tác dụng tốt nếu được sử dụng đúng lúc và chừng mực. Ba Mẹ đừng phóng đại thành tích của con và hào phóng với lời khen trong khi thực tế con chưa đạt đến mức như vậy.
Việc khen ngợi mọi hành vi của trẻ sẽ khiến trẻ bị phụ thuộc vào lời khen, dẫn đến suy nghĩ khi làm điều gì cũng hướng đến mục đích cuối cùng là được tán thưởng. Mặt khác, rất có thể chỉ vì muốn được khen mà trẻ thực hiện công việc nào đó mà chúng không thực sự yêu thích và cũng không hề có động lực tự thân.
Cho trẻ biết cảm xúc của Ba Mẹ
Thay vì chỉ đơn thuần khen ngợi hành động tốt của trẻ, Ba Mẹ cũng cần thể hiện cảm xúc vui sướng, hài lòng và lồng ghép lời cảm ơn trong lời khen. “Hôm nay Bo giúp Mẹ xếp gọn đồ chơi sau khi chơi xong. Mẹ vui lắm. Mẹ cảm ơn Bo”. Ở giai đoạn 3-5 tuổi, trẻ rất thích được giúp đỡ người lớn. Vì vậy, lời cảm ơn như một chất xúc tác tinh thần giúp con hào hứng hơn trong việc giúp đỡ Ba Mẹ công việc nào đó. Nói cảm ơn con cũng chính là lúc chúng ta dạy con cách thể hiện lòng biết ơn khi nhận sự giúp đỡ của người khác.
Ngoài ra, Ba Mẹ cũng có thể áp dụng lời khen bao gồm 3 ý chính:
+ Thể hiện cảm xúc của Ba Mẹ
+ Ghi nhận nỗ lực của con
+ Gợi ý những cách làm sáng tạo khác cho bé.
Ví dụ: “Wow, Mẹ thích cách con xếp 3 khối gỗ chồng lên nhau mà không bị đổ. Con thử xem có cách xếp khác nào làm khối gỗ cao hơn nữa không nhỉ?”
Có thể thấy, khen ngợi và khích lệ con đúng cách trong những năm đầu đời chính là “chiếc chìa khóa vàng” giúp con phát triển toàn diện. Với một lời khen phù hợp, Ba Mẹ đã tiếp thêm “sức mạnh tinh thần” để trẻ hoàn thành tốt mọi việc của mình.